Sunday, January 29, 2012

VietJet Air ‘sẽ hướng vào khách du lịch quốc tế’

VietJet Air đã chuẩn bị nguồn lực tài chính cho kế hoạch 5 năm với số vốn ban đầu là 600 tỷ đồng.

Cuối cùng, hãng hàng không tư nhân theo mô hình chi phí thấp VietJet Air cũng đã cất cánh thương mại sau hơn 4 năm được cấp phép. Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc VietJet Air đã có những chia sẻ ngay trên chuyến bay nội địa đầu tiên của hãng.

- Vì sao VietJet Air lại chọn mô hình chi phí thấp?

- Trước hết, tôi muốn khẳng định hàng giá thấp hoàn toàn không phải là hàng kém chất lượng. Tất cả những yếu tố chính liên quan tới chi phí của các hãng hàng không như thuê máy bay (chiếm 16%), kỹ thuật bảo dưỡng (14%), nhiên liệu (46%) đều như nhau, không phân biệt là giá thấp hay truyền thống.

Vì vậy, để có thể hoạt động theo mô hình giá thấp, phải giảm tối đa các chi phí trong khoảng gần 30% còn lại như phí phục vụ sân bay, phí phục vụ trên không, hoa hồng cho đại lý, quảng cáo, nhân sự… Tóm lại, với mô hình giá thấp, khách hàng chỉ phải trả tiền cho những dịch vụ thật sự cần thiết. Tôi tin rằng, khi VietJet Air cất cánh sẽ làm thay đổi những suy nghĩ của khách hàng đối với mô hình này.

- Vậy chiến lược kinh doanh của VietJet Air có gì khác biệt?

- Hiện tỉ lệ người dân Việt Nam đi máy bay mới chỉ xấp xỉ 1% là còn rất thấp. Thu nhập người dân đang tăng dần, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng tăng đều hàng năm. Chiến lược của chúng tôi là nhắm tới khách du lịch, nhất là khách quốc tế, đồng thời mở rộng tới những người Việt Nam chưa từng đi máy bay. Để cụ thể hóa chiến lược này, VietJet Air sẽ xem xét mọi điểm đến trong bán kính 4 giờ bay mà máy bay A320 của chúng tôi có thể khai thác.

- VietJet Air sẽ tập trung cho các đường bay chính nhưng đây lại là nơi cạnh tranh khốc liệt nhất?

- Chúng tôi bắt đầu bằng việc khai thác chặng TP HCM – Hà Nội – TP HCM vì đây là đường bay có lượng khách đông và ổn định nhất. VietJet Air sẽ sớm mở thêm các đường bay khác như Hà Nội/TP HCM – Đà Nẵng; TP HCM – Hải Phòng; Hà Nội – Nha Trang; Hà Nội – Đà Lạt… Trong năm 2012, chúng tôi đặt mục tiêu khai thác 5.000 chuyến bay nội địa, chuyên chở 700.000 – 800.000 hành khách với đội bay từ 5-6 máy bay A320.

- Thế còn kế hoạch bay quốc tế sẽ như thế nào thưa ông?

- Tôi xin phép chưa tiết lộ về kế hoạch này. Nhưng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép bay nội địa lẫn quốc tế, chúng tôi sẽ sớm bay tới các nước vùng Đông Bắc Á nhằm tăng cường giao thương và thu hút thêm khách du lịch, nhà đầu tư tới Việt Nam.

- VietJet Air đã chuẩn bị cho kế hoạch cất cánh như thế nào, nhất là vấn đề vốn?

- Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng những bài học kinh nghiệm của các hãng hàng không thua lỗ tại Việt Nam để tránh lặp lại sai lầm. Trong kinh doanh hàng không, lỗ và lãi khá gần nhau. Trên thế giới, vẫn có nhiều hãng hàng không có lãi và cũng không ít hãng lỗ. Nếu không kỳ vọng sẽ có lợi nhuận, chúng tôi đã không cất cánh. VietJet Air đã chuẩn bị nguồn lực tài chính cho kế hoạch 5 năm với số vốn ban đầu là 600 tỷ đồng và cũng đã xác định rất rõ là những năm đầu chưa thể có lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có kế hoạch dần dần cân đối giữa doanh thu và chi phí để tiến tới có lãi.

- VietJet Air có tính tới khả năng huy động vốn từ đối tác nước ngoài?

- Việc mở rộng các quan hệ đa phương và hợp tác với nước ngoài là rất cần thiết. Nhưng trước mắt, chúng tôi chỉ sử dụng các dịch vụ kỹ thuật máy bay, công nghệ, lực lượng tư vấn, chuyên gia và một số cán bộ quản lý người nước ngoài.

- Liệu khả năng AirAsia quay trở lại hợp tác với VietJet Air có thể xảy ra không?

- Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không đều có các mục tiêu chiến lược. Việc rút vốn của AirAsia là do cả 2 phía cùng chủ động thống nhất sau khi có những diễn biến không theo như kế hoạch của liên doanh. Chúng tôi hiện không bàn gì về kế hoạch quay trở lại liên doanh với AirAsia.

- Lời khuyên của ông dành cho các nhà đầu tư tư nhân muốn tham gia vào kinh doanh hàng không tại Việt Nam?

- Đây là lĩnh vực rất đặc thù đòi hỏi quá trình chuẩn bị chuyên nghiệp. Lời khuyên chân thành nhất của tôi đối với các nhà đầu tư tư nhân có chăng chỉ là một câu: Làm gì thì cũng phải có "nghề", nếu không sẽ khó thành công. VietJet Air tập hợp được các chuyên gia hàng không có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết. Bản thân tôi cũng làm việc cho ngành hàng không hơn 30 năm, đã tham gia quản lý, điều hànhVietnam Airlines trong nhiều năm.

(Theo Nhịp cầu đầu tư)

Nguồn:  http://didaudidau.vn/vietjet-air-se-huong-vao-khach-du-lich-quoc-te.html

No comments:

Post a Comment